Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Sư Tổ NGUYỄN MẠNH ĐỨC




Chưởng Môn Nhân Nguyễn Mạnh Đức

Hà Nội, một buổi sáng mùa xuân, tiết trời hãy còn lạnh lắm...Bên trong một trang trại khá đồ sộ, ngăn nắp, người lui tới hoạt động, nhưng nếu có ai lưu ý sẽ thấy rằng họ rất khẩn trương, thiếu vắng tiếng nói, giọng cười...
Chuyện gì đã và đang hay sắp xảy đến cho trang trại này...
Một Hán tử trung niên, liếc nhìn đứa trẻ đang nằm trong
chiếc quan tài nhỏ, chờ chết.....Đứa bé hé mở mắt nhìn ông như van xin, như cầu cứu... Phải chăng cái hé mở mắt này đã làm chạnh lòng vị Hán tử trung niên? Ông nhẹ nhàng cầm lấy tay đứa bé, nhìn những lằn chỉ trong lòng bàn tay, rồi hai bàn tay, rồi ông đưa tay ra chẩn mạch, ông trầm ngâm, ưu tư, nhìn vào gương mặt gầy gò, bệnh hoạn của đứa bé...Đoạn ông đứng dậy, đến bên cổng gọi người kêu cửa...Sau khi ông ngỏ ý với một lão gia nhân...khoảng 10 phút sau, đi ra với lão gia nhân lúc này là một thiếu phụ trang nhã, với nét mặt đầy âu lo, ôn tồn chào người khách lạ và thiếu phụ cho biết, bà là thân mẫu của đứa bé và cũng là chủ của trang trại này...Không để phí một chút thời giờ nào, Hán tử cho biết ngay ý định, xin nhận đứa trẻ này, may ra nếu còn sống sẽ là dưỡng tử của ông. Gần như muốn tranh chạy với thời gian, đưa tay vào bọc hành trang lấy mấy mủi kim, châm vào huyệt đản trung, kiên tỉnh rồi bỏ đứa bé vào trước ngực của mình, đoạn vội vã cất bước trước sự ngỡ ngàng nín lặng của thiếu phụ và gia nhân...Hán tử quay lại nói: "3 năm sau lên núi La Phù, xem sự sống chết của đứa trẻ ra sao".
Thiếu phụ đứng lặng nhìn Hán tử ôm đứa bé đi xa dần trong đôi mắt mờ ngấn lệ, dòng lệ thương đau của người từ mẫu, lòng bà đứt từng đoạn ruột...
Đứa bé trai này là đứa con đầu lòng của bà. Đứa bé ra đời trong gia đình dòng dõi trâm anh thế phiệt, thọ bẩm khí tiên thiên của cha mẹ nên rất thông tư đỉnh ngộ, nhưng sau khi tròn một tuổi cậu bé ngã bịnh mà hơn một năm rồi bao nhiêu danh y, thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây đều bó tay và không sao tìm ra căn bệnh, dù cho trang chủ hết lòng chạy chữa...mà bịnh của cậu ngày càng nặng, thân thể khô kiệt, chỉ còn da bọc xương chờ chết...
Sau khi châm mấy mủi kim vàng vào thân thể cậu bé, Hán tử bồng cậu đi hướng về phố chợ. Hai tay ông ấn vào huyệt đại chùy và đan điền, truyền nội lực chân khí vào cho cậu bé...Bước vào một tiệm thuốc Bắc, ông nói chuyện với người tài chủ, người tài chủ lấy trao cho ông mấy lát sâm, ông nhét vào miệng đứa trẻ, còn một ít và mấy món thuốc khác gói lại trao cho ông. Sau khi thanh toán tiền nong ông vội vã bế câu bé ra đi...
Ban nảy ông nói tiếng Hoa! Ông là người Hoa? Chắc là vậy, vì ông nói núi La Phù, mà núi này thuộc tỉnh Quãng Đông, Trung Hoa, và từ Hà Nội đi về núi này cũng không phải gần. Thường thì đi theo ngã Hải Phòng - lên Móng Cái, qua biên giới Việt-Hoa rồi lên núi. Miền Bắc Việt Nam bây giờ là xứ bảo hộ của Pháp, nên những người Việt Nam yêu nước nổi lên chống lại khắp nơi...cho nên cũng không được an ninh lắm...
Suốt mấy ngày đêm ròng rã, Hán tử luôn ôm đứa bé trong lòng để truyền nội lực của ông vào người nó - và ông ôm nó liên tục sáu tháng trời trong thời gian chữa trị cho nó...Đó là lời các vị sư huynh của cậu bé thuật lại sau này.
Ba năm sau, vào mùa xuân, cây cỏ xanh tươi trăm hoa nở thắm, trên con đường đất lên núi La Phù người ta thấy thiếu phụ năm xưa cùng với hai người tùy tùng đang dấn bước. Họ bước nhanh hơn những người thường và hình như không chú ý gì đến phong cảnh đẹp đẽ của mùa xuân và vẻ hùng vĩ của núi đồi...Chắc là ba năm đợi chờ, tình mẫu tử đã làm cho bà phập phồng nôn nóng. Chuyến đăng sơn này, ba nuôi nhiều hy vọng. Bà hy vọng là các bậc chân nhân trên núi có thể cứu tử con bà...Bà đặt rất nhiều hy vọng vào các bậc thần tiên này...Miên man với các ý nghĩ về đứa con yêu quý bà quên chuyện trò với hai người đồng hành và đến đại sãnh từ lúc nào bà không biết...phải làm sao tìm vị Hán tử? Lúc ra đi, ông chỉ nói lên núi La Phù! Bà cũng quên hỏi tên của vị Hán tử hay chỗ cư ngụ. Bây giờ đông người, nhiều chỗ, bà ngần ngại một chút, rồi tìm một vị mặc áo đạo sĩ hỏi thăm tin tức về vị Hán tử và đứa bé ba năm về trước...
Sau một lúc chờ đợi, bà đứng lên chào vị Hán tử trung niên và chạy đến ôm chầm đứa trẻ...Lạ lùng thay tình mẫu tử...thắm thiết thay cảnh mẹ con, cậu bé bây giờ đã mạnh khỏe, lớn hơn xưa nhiều, nhưng bà vẫn nhận ra, còn cậu thì không biết được bà nhưng sợi dây ruột thịt thiêng liêng đã làm cậu cảm nhận được...
Trong những phút dây mừng mừng tủi tủi bà ngắm nghía cậu từ đầu đến chân, với đôi mắt đầy ngấn lệ vì xúc động, bà quay sang vị Hán tử như tỏ lời tạ ơn chân thành nhất vì không có lời nói hay bút mực nào có thể diễn đạt được sự sung sướng và lòng biết ơn của bà.
Từ đó, hàng năm bà đến thăm con và cúng dường công đức, và cậu bé ở lại núi rèn văn, luyện võ...

Văn đã khởi phụng đằng giao
Võ thêm ba lược sáu thao ai bì.
(Lục Vân Tiên)

Cung một mùa xuân 18 năm sau, trong lúc tiễn mẹ ra về, chàng thanh niên chạy theo...Người sư phụ nhìn theo người học trò yêu mà lắc đầu...Hơn 20 năm tu luyện trên sơn động, mà lòng chàng cũng chưa dứt được căn duyên... và từ đó, hàng năm chàng được phép theo mẹ về quê ba tháng, học tiếng Việt. Rồi sau đó, chàng xin phép thầy sang Pháp du học. Tốt nghiệp kỹ sư công chánh.
Để kết luận cho bài viết này - xin giới thiệu với quý vị...
Người Hán tử trung niên là chưởng môn của Thánh Địa La Phù Sơn.
Đứa bé ấy là cháu 4 đời của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, và là người khai sáng Hồng Gia Việt Nam. Hiệu là Nam Hải Chân Nhân. Tên Nguyễn Mạnh Đức.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét